Không giống như các thể loại nhiếp ảnh phong cảnh, cảnh đêm hay nhiều loại nhiếp ảnh ngoài trời khác, nhiếp ảnh nguyệt thực có lẽ sẽ đôi phần lạ lẫm hơn – bởi nguyệt thực chỉ thi thoảng mới xuất hiện. Do đó, mọi người không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc “săn” ảnh nguyệt thực. Vậy nên, để có thể chụp ảnh nguyệt thực tốt, việc tìm hiểu và chuẩn bị trước những điều cần làm và lưu ý là cần thiết. Cùng VJ360 tìm hiểu chi tiết cách chụp ảnh nguyệt thực trong bài viết dưới đây, để có những buổi “săn” trăng thành công.
- Hướng Dẫn Cách Chụp Ảnh Trăng Tròn Nghệ Thuật Hoàn Hảo Nhất
- Bức Ảnh Mới Ngoạn Mục Của Webb Tiết Lộ Những Bí Ẩn Trong Lòng Thiên Hà
Hướng dẫn chi tiết cách chụp ảnh nguyệt thực
Chọn ống kính phù hợp
Khi chọn ống kính để chụp ảnh nguyệt thực, bạn không nhất thiết phải sở hữu một kính thiên văn hay ống kính siêu tele đắt tiền. Dựa trên kinh nghiệm thực tế, bất kỳ ống kính tele nào đạt được tiêu cự từ 200mm đến 300mm đều có thể đáp ứng tốt nhu cầu chụp nguyệt thực.
Ống kính tiêu cự 70-200mm và f/2.8 hoặc f/4 có khả năng chụp nguyệt thực rất tốt, mặc dù bạn sẽ phải crop ảnh một chút nhưng với độ phân giải lớn như hiện nay thì điều này không thành vấn đề. Ngoài ra, bạn còn có thể chụp ảnh nguyệt thực bằng các ống kính 70-300mm hoặc 100-400mm. Hai ống kính đều cho hoạt động hiệu quả, dù ở dải tiêu cự dài, tuy nhiên khẩu độ có thể bị giới hạn ở f/5.6 hoặc f/8 khi zoom hết cỡ, gây ra một số khó khăn kỹ thuật trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc cần tốc độ màn trập nhanh.
Bên cạnh đó, nếu bạn muốn khai thác khía cạnh sáng tạo hơn, việc chụp nguyệt thực ở tiêu cự ngắn hơn như 100mm hoặc thậm chí bằng ống kính góc rộng cũng rất khả thi. Điều quan trọng khi chụp thể loại này là bạn có một bố cục khung hình hấp dẫn, kết hợp với cảnh vật và hiểu rõ cách phơi sáng để tạo ra được những bức ảnh có tương phản mạnh. Nói cách khác, sự linh hoạt và tư duy bố cục quan trọng không kém thiết bị và đôi khi chính những giới hạn lại mở ra cơ hội sáng tạo bất ngờ.
Máy ảnh tốt nhất để chụp ảnh nguyệt thực
Tương tự như ống kính, bạn không nhất thiết phải trang bị máy ảnh cao cấp, đắt tiền. Thực tế với công nghệ cảm biến hiện đại hiện nay, hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số nào cũng đủ tốt để ghi lại hiện tượng thiên văn kỳ thú này.
Là người mới bắt đầu trong thể loại nhiếp ảnh này, bạn chỉ cần có một chiếc máy ảnh vừa đủ, không cần những tính năng như sở hữu tốc độ liên tiếp cao hay hệ thống lấy nét tự động siêu nhanh. Bởi mặt trăng là một chủ thể gần như là “đứng im”, ở rất xa và độ sâu trường ảnh gần như không ảnh hưởng. Do đó, bạn hoàn toàn có thể chụp được nguyệt thực ngay cả khi sử dụng các máy ảnh mirrorless với cảm biến APS-C hay Micro Four Thirds. Không những thế, các máy ảnh crop này còn có lợi thế về tiêu cự, giúp bạn có thể “zoom” gần mặt trăng hơn mà không cần ống kính tele quá dài. Bạn có thể phải tăng ISO một chút trong điều kiện ánh sáng yếu, nhưng không cần thiết phải đẩy quá cao và phần lớn các máy ảnh hiện nay đều xử lý ISO ở mức trung bình khá tốt.
Cụ thể, những mẫu máy như Sony A6700, ZV-E10 II, hay Nikon Z50 II hoàn toàn đủ khả năng để chụp ảnh nguyệt thực. Với Canon, bạn có thể lựa chọn các mẫu máy như EOS R50 hoặc R10 và tương tự bạn cũng có thể chọn bất kỳ máy ảnh Fujifilm APS-C hoặc Olympus/Panasonic Micro Four Thirds nào. Chỉ cần tập trung vào việc sáng tạo, thiết bị bạn có sẽ là thiết bị tốt nhất mang lại cho bạn những bức ảnh ấn tượng nhất.
Tripod tốt nhất để chụp ảnh nguyệt thực
Chụp ảnh nguyệt thực khá giống với chụp ảnh ban đêm, ở cả hai trường hợp, bạn đều cần một chiếc tripod ổn định và chắc chắn để có thể ghi lại hình ảnh sắc nét. Như đã đề cập ở trên, ống kính dùng để chụp ảnh nguyệt thực sẽ là những ống kính 200mm trở lên, thường có kích thước khá lớn. Do đó, những chân máy nhỏ, nhẹ như tripod du lịch thường không đáp ứng được nhu cầu nhiếp ảnh này. Bởi vì, loại chân máy thường được thiết kế khá mong manh, khả năng chịu lực kém, dễ rung, cũng như không đủ chiều cao và rất khó để canh được bố cục chính xác khi sử dụng với ống kính tele. Nếu bắt buộc sử dụng loại tripod này, bạn cần trang bị thêm cho mình bộ hẹn giờ chụp hoặc điều khiển từ xa, đồng thời đảm bảo khu vực chụp không có gió.
Là một nhiếp ảnh gia thiên nhiên, yêu thích chụp cảnh đêm, ngoài chiếc tripod du lịch ra thì trang bị thêm một chiếc tripod lớn là điều cần thiết. Bạn có thể sử dụng tripod siêu nhẹ dành cho leo núi, trekking; và một chiếc tripod lớn, nặng khi sử dụng chụp bộ thiết bị lớn cho những trường hợp không cần di chuyển nhiều. Hai mẫu tripod gợi ý cho bạn để chụp ảnh nguyệt thực là Slik AMT 700DX và Robus RC-8880. Cả hai chân máy này đều là lựa chọn lý tưởng cho thể loại nhiếp ảnh yêu cầu độ ổn định tốt và có độ cao phù hợp.
Trong trường hợp buộc phải dùng tripod không đủ mạnh hoặc không đủ cao, một mẹo nhỏ là hãy ngồi xuống khi chụp. Mang theo một chiếc ghế xếp nhỏ, đặt tripod thấp và chụp từ vị trí ngồi. Việc này giúp tăng độ ổn định hình ảnh đáng kể nếu tripod của bạn nhẹ và mảnh. Đồng thời, thiết lập này cho phép bạn ngồi chụp ảnh cả thời gian dài theo dõi nguyệt thực mà không bị đau lưng.
Hướng dẫn cài đặt các thông số phơi sáng để chụp ảnh nguyệt thực
Sau khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, bước khó khăn và quan trọng nhất khi chụp ảnh nguyệt thực chính là thiết lập phơi sáng và lấy nét. May mắn thay, nếu nắm vững một vài nguyên tắc cơ bản từ trước, việc này hoàn toàn không quá phức tạp.
Giai đoạn 1. Trước khi bắt đầu nguyệt thực
Trong điều kiện trăng tròn bình thường, độ sáng của mặt trăng rất cao – tương đương một cảnh chụp ban ngày. Vì vậy, bạn có thể bắt đầu với thiết lập cơ bản như:
- ISO 100, f/5.6, 1/100 giây.
Đây là thiết lập trên khẩu ống kính với khẩu độ lớn nhất là f/5.6. Nếu bạn đang dùng ống kính khẩu độ lớn hơn như f/2.8 hoặc f/4, bạn có thể tận dụng mở khẩu tối đa để thu sáng tốt hơn. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để lấy nét tự động rồi chuyển sang lấy nét tay. Cần lưu ý là nhiều máy ảnh có thể bị reset lấy nét nếu bạn tắt máy để thay pin hoặc thẻ nhớ.
Giai đoạn 2: Khi nguyệt thực bắt đầu
Lúc này mặt trăng bắt đầu mờ dần dù chưa thể thấy rõ bằng mắt thường. Bạn nên giữ tốc độ màn trập, chỉ tăng dần ISO để duy trì độ sáng ảnh – vì ở tiêu cự dài, tốc độ màn trập chậm sẽ gây nhòe do chuyển động.
Giai đoạn 3: Giai đoạn nguyệt thực một phần
Khi bóng Trái Đất bắt đầu phủ lên mặt trăng một cách rõ rệt, bạn có thể cài đặt:
- f/5.6, 1/100 giây, ISO 800.
Tuy nhiên, khi nguyệt thực toàn phần đến gần, bạn có lẽ sẽ phải giảm tốc độ màn trập xuống một chút.
Giai đoạn 4: Giai đoạn nguyệt thực toàn phần
Đây là thời điểm mặt trăng tối nhất và việc phơi sáng trở nên khó khăn nhất. Vì Trái Đất quay, nếu bạn không dùng motor theo dõi thiên văn (astro-tracker), tốc độ màn trập nên được giới hạn dưới 1-2s, để tránh mờ do chuyển động của mặt trăng trong khung hình.
Gợi ý thiết lập:
- Mở khẩu độ ở mức lớn nhất bạn có (f/2.8, f/4 hoặc f/5.6).
- ISO 800 – 1600, cao hơn nếu cảm biến của bạn xử lý tốt vùng tối.
- Giảm tốc độ màn trập xuống mức chậm nhất có thể nhưng dưới 2s.
Nếu bạn muốn sáng tạo hơn, có thể chụp một phơi sáng riêng để bắt thêm sao trời xung quanh mặt trăng đã bị che khuất. Cách này yêu cầu ghép ảnh thủ công trong Photoshop, nhưng có rất nhiều hướng dẫn đơn giản về kỹ thuật này.
Giai đoạn 5: Chụp ảnh nguyệt thực trong khung cảnh đêm
Trong trường hợp bạn chụp cảnh đêm toàn cảnh có mặt trăng, thiết lập phơi sáng sẽ hoàn toàn khác. Bạn có thể dùng tốc độ màn trập chậm hơn nhiều mà không lo mờ do chuyển động. Ví dụ:
- 1/2s, f/16, ISO 100 ở 50mm
- 1s, f/2.8, ISO 4000 ở 165mm
Giai đoạn 6: Chụp ảnh trail (vệt sáng nguyệt thực)
Nếu bạn muốn tạo ảnh vệt sáng của nguyệt thực (lunar eclipse trail), bạn sẽ cần phải chụp liên tục nhiều khung hình trong vòng 2-3 giờ, sau đó xếp chồng ảnh lại.
Tóm lại, dù bạn dùng thiết bị nào, chỉ cần kiểm soát tốt khẩu độ – ISO – tốc độ màn trập theo từng giai đoạn của nguyệt thực, bạn hoàn toàn có thể tạo nên những bức ảnh ấn tượng, dù là chụp đơn giản hay sáng tạo phức tạp hơn.
5 mẹo hay để chụp ảnh nguyệt thực thành công
1. Luôn theo dõi thời tiết
Không điều gì có thể khiến một nhiếp ảnh gia có thể thất vọng hơn một bầu trời đầy mây trong đêm nguyệt thực. Do đó, hãy luôn kiểm tra dự báo thời tiết kỹ lưỡng trong những ngày trước sự kiện. Nếu khu vực bạn đang ở có khả năng nhiều mây hoặc sương mù, hãy chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch di chuyển đến địa điểm mới có thời tiết tốt hơn nằm trong phạm vi hợp lý. Ví dụ, các khu vực ven biển có thể hoàn toàn mù sương, nhưng chỉ cách vài km về phía đất liền, bầu trời lại trong vắt. Tương tự, nếu khu vực bạn định chụp có mây thấp, có lẽ di chuyển 1 -2 tiếng đi xe vượt qua vài ngọn đồi đôi khi sẽ tìm được vùng trời quang đãng hoàn toàn. Để có một buổi “săn” nguyệt thực thành công, linh động là điều cần thiết.
2. Chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng
Nguyên tắc vàng để có buổi chụp nguyệt thực thành công đó là đến địa điểm sớm hơn bạn nghĩ là cần thiết. Bạn sẽ cần thời gian để dựng tripod, lắp máy, kiểm tra ống kính, căn khung hình và kiểm tra cài đặt phơi sáng. Đảm bảo hoàn tất mọi khâu chuẩn bị trước khi nguyệt thực đến. Ngoài ra, đừng quên kiểm tra pin để đảm bảo còn đủ dung lượng cho cả quá trình chụp kéo dài hàng giờ. Hãy chuẩn bị thẻ nhớ trống, định dạng sẵn để tránh mất thời gian xử lý khi trời đã tối. Bởi khi trời tối, trăng lên, bạn sẽ chỉ muốn hoàn toàn tập trung vào việc chụp ảnh thay vì phải xử lý thiết bị hay xử lý trục trặc kỹ thuật phút chót.
3. Hãy ngồi xuống và tận hưởng khoảnh khắc
Nguyệt thực không phải lúc nào cũng xuất hiện, vậy nên nếu đây là lần đầu bạn chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu này, thì điều quan trọng nhất không phải là bức ảnh hoàn hảo, mà là trải nghiệm trọn vẹn khoảnh khắc kỳ diệu đó. Nếu trong quá trình chụp, mọi thứ không như ý – máy ảnh lỗi, khung hình không như mong đợi, ánh sáng quá khó kiểm soát,.. Lúc này, hãy tạm dừng và ngồi lại, ngẩng đầu lên – tận hưởng sự tĩnh lặng của thiên nhiên, sự chuyển mình của bầu trời, và cảm nhận vẻ đẹp huyền ảo của vũ trụ. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ còn nhiều cơ hội khác để thử chụp ảnh nguyệt thực, nhưng nếu bạn quá chăm chú vào màn hình LCD hay viewfinder, bạn có thể bỏ lỡ khoảnh khắc tuyệt vời mà mắt thường mới thực sự cảm nhận được. Đôi khi, một chút cảm hứng từ chính trải nghiệm ấy lại đáng giá hơn cả một bức ảnh hoàn hảo.
4. Chụp ảnh ở định dạng RAW thật nhiều
Nếu điều kiện ánh sáng thuận lợi nhưng bạn vẫn chưa hoàn toàn tự tin với thiết lập máy, cách tốt nhất là cứ tiếp tục chụp. Hãy chụp nhiều khung hình với các mức phơi sáng khác nhau – thử tăng hoặc giảm ISO hoặc tốc độ màn trập từ 1-2 bước để đảm bảo bạn không bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng do sai lệch phơi sáng. Nếu mặt trăng ở gần đường chân trời, hãy thử thay đổi bố cục nhẹ nhàng. Đôi khi một khung hình hẹp hơn hoặc rộng hơn lại mang đến hiệu ứng thị giác thú vị hơn bạn tưởng. Đặc biệt, nếu máy ảnh của bạn hỗ trợ, hãy chụp ở định dạng RAW để có thể dễ dàng chỉnh sửa chi tiết và màu sắc về sau.
5. Đừng quên sáng tạo khi đã có bức ảnh ưng ý
Sau khi bạn có một bức ảnh ưng ý với độ rõ nét tốt và phơi sáng chuẩn, đừng ngại ngần thử nghiệm và sáng tạo thêm nhiều bức ảnh mới. Thông thường, thời gian nguyệt thực sẽ kéo dài khoảng 60 phút, nên bạn có rất nhiều thời gian để khám phá các bố cục khác nhau, thử zoom ra, zoom vào, hoặc thay đổi góc chụp để lồng ghép thêm yếu tố tiền cảnh hoặc phong cảnh xung quanh. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên dành thời gian cho mình ít nhất là 10-15 phút để ngắm bầu trời tuyệt đẹp này bằng mắt thường.
Tổng kết
Nguyệt thực không chỉ là một hiện tượng thiên văn kỳ thú mà còn là cơ hội hiếm hoi để các nhiếp ảnh gia thử sức với thể loại ảnh thiên văn trong điều kiện ánh sáng thấp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc nghiên cứu thời gian diễn ra, chọn địa điểm lý tưởng, chuẩn bị thiết bị phù hợp đến việc nắm vững các thiết lập máy ảnh và kỹ thuật xử lý ảnh, bất kỳ ai cũng có thể ghi lại những bức ảnh nguyệt thực ấn tượng.
Để có bức ảnh nguyệt thực tốt, bạn cần:
- Lên kế hoạch sớm: Kiểm tra lịch nguyệt thực từ các nguồn uy tín và chuẩn bị thiết bị, địa điểm, kỹ năng cần thiết từ trước ít nhất vài ngày.
- Ưu tiên sự ổn định và chất lượng quang học: Một chân máy vững chắc và ống kính tele chất lượng cao là yếu tố then chốt để có được ảnh sắc nét.
Thực hành trước: Tập thiết lập các thông số và chụp mặt trăng tròn để làm quen và tìm ra thông số phù hợp để có bức ảnh đẹp. - Luôn chụp RAW: Điều này giúp bạn dễ dàng hậu kỳ và khắc phục những sai lệch phơi sáng trong điều kiện ánh sáng khó lường của nguyệt thực.
- Đừng quên trải nghiệm: Trong lúc say mê chụp ảnh, hãy dành chút thời gian ngẩng đầu ngắm trăng và tận hưởng vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên.
Dù bạn là người mới bắt đầu hay đã có kinh nghiệm chụp thiên văn, mỗi lần nguyệt thực là một hành trình thú vị để học hỏi và sáng tạo. Hy vọng bài viết này sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hành trình đó, giúp bạn chinh phục những khung hình nguyệt thực đầy cảm hứng. Và đừng quên theo dõi thêm các bài viết Cẩm nang nhiếp ảnh khác của chúng tôi nhé!