Trong nhiếp ảnh, có rất nhiều tình huống chụp ảnh mà bạn sẽ cần phải sử dụng đến chân máy như chụp phong cảnh, chụp ảnh chân dung hay thậm chí là cả chụp ảnh động vật hoang dã. Khi sử dụng chân máy hầu hết mọi người đều nghĩ nó khá đơn giản và chỉ cần ở rộng chân máy, đặt máy ảnh lên trên là có thể sử dụng nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, để có được bức ảnh đẹp, sắc nét thì việc thiết lập và cách sử dụng chân máy chụp ảnh cũng là vấn đề bạn nên quan tâm.
Khi nào nên sử dụng chân máy chụp ảnh
Thông thường chụp ảnh bằng tay sẽ dễ dàng hơn so với việc dựng chân máy và gắn máy ảnh lên trên. Tuy nhiên trong một số trường hợp bạn nên sử dụng chân máy để việc chụp ảnh được diễn ra hiệu quả. Khi bạn sở hữu chân máy trong bộ dụng cụ nhiếp ảnh, bạn sẽ thấy thiết bị này rất hữu ích, hỗ trợ nhiều tình huống chụp ảnh yêu cầu độ phơi sáng lâu hoặc độ ổn định. Thế nhưng không phải lúc nào chân máy chụp ảnh cũng thật sự phù hợp, vì thế điều quan trọng là bạn phải biết khi nào bạn cần sử dụng chân máy.
Trọng lượng thiết bị: Nếu thiết bị chụp ảnh của bạn tương đối nặng thì cách tốt nhất là bạn nên sử dụng chân máy chụp ảnh, đặc biệt là khi cần chụp trong thời gian dài. Việc cố gắng cầm ống kính tele với máy ảnh DSLR chuyên nghiệp sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và khó có thể thực hiện các thao tác chụp ảnh một cách dễ dàng.
Thể loại nhiếp ảnh: Chụp ảnh phong cảnh, macro, kiến trúc và một số thể loại nhiếp ảnh khác có thể yêu cầu sử dụng chân máy để có độ chính xác, tạo khung hình và tính nhất quán ngay cả khi chụp trong điều kiện ánh sáng tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng chân máy chụp ảnh khi muốn tạo hiệu ứng hoặc thực hiện một số kỹ thuật chụp như Panorama, HDR, Timelapse và Exposure Blending.
Ổn định hình ảnh: Dù cách cầm máy của bạn đúng cách nhưng nếu tốc độ cửa trập quá thấp bạn vẫn có thể bị rung máy. Để hạn chế điều này ngoài việc sử dụng tính năng ổn định của máy ảnh và ống kính thì bạn có thể sử dụng chân máy để tăng độ sắc nét cho hình ảnh của mình.
Một số mẹo khi sử dụng chân máy
Xác định bố cục của hình ảnh
Trước khi bạn thiết lập chân máy chụp ảnh, hãy đi bộ xung quanh khu vực đó, khám phá đối tượng từ nhiều góc độ khác nhau và tìm các góc phù hợp. Sau đó thực hiện xác định bố cục bằng cách sử dụng máy ảnh. Khi xác định được khung hình của mình sẽ trông như thế nào thì bạn hãy sử dụng chân máy và gắn máy ảnh lên để chụp.
Xác định vị trí đặt chân máy
Mặc dù hầu hết các địa điểm đều có nền đất bằng phẳng và chắc chắn bạn có thể thiết lập và sử dụng chân máy một cách dễ dàng. Tuy nhiên có một số địa điểm rất phức tạp đòi hỏi chân của chân máy phải được kéo dài hơn hoặc ngắn hơn để đảm bảo an toàn. Để sử dụng chân máy một cách tốt nhất bạn nên tìm hiểu về vị trí bạn sẽ đặt chân máy, hạn chế đặt lên trên các địa điểm có bề mặt không ổn định hoặc có thể bị vỡ như cát hoặc tảng băng.
Giữ trụ thẳng đứng và vuông góc với mặt đất
Để đảm bảo trọng lượng máy ảnh của bạn được phân bổ đều cho cả ba chân, hãy đảm bảo trụ ở giữa thẳng đứng và vuông góc với mặt đất. Việc sử dụng một trong những linh kiện gắn vào trụ giữa có thể giúp bạn điều chỉnh chân máy dễ dàng.
Sử dụng giá đỡ chữ L
Giá đỡ “L” là một loại tấm đặc biệt để gắn máy ảnh của bạn vào đầu chân máy. Nó có hình dạng giống như một chữ “L” (heh) cho phép bạn lắp máy ảnh của mình theo hướng dọc, trong khi vẫn giữ máy ảnh ở trung tâm của chân máy.
Sử dụng giá đỡ chân máy cho các ống kính dài
Các ống kính dài và nặng thường sẽ làm thay đổi trọng tâm của máy ảnh. Vì thế nếu bạn đang sử dụng một ống kính nặng, hãy đảm bảo lắp ống kính lên giá đỡ chân máy để cân bằng đồng đều giữa trọng lượng máy ảnh và ống kính. Điều này không chỉ giữ cho máy ảnh an toàn mà còn giúp bạn có được một thiết lập ổn định.
Treo túi máy ảnh hoặc vật nặng ở trụ giữa
Nếu bạn chụp ảnh trong một ngày trời nhiều gió và có sử dụng chân máy thì bạn có thể treo túi máy ảnh hoặc vật nặng khác ở trụ giữa để tăng độ ổn định. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với phương pháp này bởi nếu túi máy ảnh của bạn bị rung nhiều trong gió và va vào chân máy có thể gây mất cân bằng và làm đổ các thiết bị.
Cách thiết lập chân máy chụp ảnh
Mở rộng chân máy
Bước đầu tiên của việc thiết lập chân máy chụp ảnh đúng cách là mở rộng chân máy. Cách tốt nhất mở rộng chân máy là kéo dài từ trên xuống thay vì kéo dài từ phần chân dưới lên. Tiếp đến lần lượt thả từng chân đến độ cao cần thiết. Bạn nên mở rộng tất cả các chân đến chiều dài tối đa của chúng hơn là điều chỉnh chiều cao bạn cần bằng cách sử dụng cột trung tâm.
Định vị các chân của chân máy
Khi chân máy được mở rộng đến độ cao mà bạn cảm thấy phù hợp hãy đặt chân máy chụp ảnh lên mặt đất. Sau đó hướng một trong các chân của chân máy về phía đối tượng. Hai chân máy còn lại phải được đặt ở vị trí mà bạn có thể đứng ở giữa chúng. Vị trí này đảm bảo sự cân bằng chắc chắn nhất khi máy ảnh được gắn vào chân máy, đặc biệt khi bạn đang sử dụng một ống kính lớn.
Điều chỉnh phần chân dưới
Sau khi định vị các chân của chân máy, bạn hãy tiếp tục điều chỉnh phần chân dưới để cân bằng chân máy chính xác nhất. Nếu chân máy của bạn đi kèm với một linh kiện, hãy sử dụng nó để kiểm tra xem chân máy của bạn có cân bằng hay không.
Gắn máy ảnh vào chân máy
Mỗi chân máy sẽ được cung cấp cùng với tấm đế, tấm này sẽ kẹp vào phần đầu của chân máy chụp ảnh. Tấm đế có lỗ vít ¼ inch được thiết kế để bạn có thể gắn trực tiếp vào đế máy ảnh. Khi gắn máy ảnh vào chân máy bạn cần đảm bảo rằng tấm này được gắn chắc chắn. Sau đó điều chỉnh đầu của chân máy để cân bằng bố cục và sẵn sàng chụp.
Việc thiết lập chân máy chụp ảnh tương đối đơn giản tuy nhiên bạn cần phải thực hiện một cách cẩn thận để đảm bảo hình ảnh sắc nét nhất có thể. Đồng thời việc chân máy của bạn ở vị trí ổn định cũng sẽ giúp cho chân máy không bị lật làm hỏng máy ảnh và ống kính. Khi bạn đã nắm vững các kiến thức về cách sử dụng chân máy thì bạn có thể bắt đầu chụp ảnh ở nhiều góc độ khác nhau.