Trên lý thuyết, GFX 50S II dường như không có sự khác biệt lớn so với người tiền nhiệm nhưng máy ảnh sở hữu một thiết kế hoàn toàn khác, nhỏ gọn linh hoạt tương tự như GFX 100S và được cải tiến với một vài nâng cấp mới. Đặc biệt có mức giá hấp dẫn hơn, điều này đã làm dịch chuyển không ít người dùng sang định dạng medium format để có chất lượng hình ảnh tốt hơn. Vậy Fujifilm có thật sự thành công khi mang đến chiếc máy ảnh đa năng này? Cùng chúng tôi đánh giá Fujifilm GFX 50S Mark II chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Thông số kỹ thuật Fujifilm GFX 50S II
- Cảm biến: Medium format 51.4MP (43.8 x 32.9mm) Bayer CMOS
- Bộ xử lý hình ảnh: X-Processor 4
- Ngàm ống kính: Fujifilm G
- Tự động lấy nét: AF phát hiện tương phản
- Dải ISO: 100 đến 12.800 (mở rộng 50 – 102400)
- Tốc độ chụp liên tục tối đa: 3 khung hình/giây
- Video: 1080p ở tốc độ lên đến 30 khung hình/giây
- Kính ngắm: EVF cố định 0.5 inch, 3.69 triệu điểm, độ phóng đại 0.77x
- Màn hình cảm ứng LCD nghiêng: 3.2 inch, 2.36 triệu điểm
- Thẻ nhớ: 2x SD UHS-II
- Kết nối: Wi-Fi, Bluetooth, USB-C, mini HDMI, mic, giắc cắm tai nghe
- Kích thước: 150 x 104.2 x 44mm
- Trọng lượng: 900g kèm theo pin và thẻ SD
Đánh giá Fujifilm GFX 50S Mark II chi tiết
Thiết kế
Máy ảnh GFX 50S II sở hữu thiết kế thân máy tương tự như GFX 100S, nó nhỏ và nhẹ hơn một chút so với người tiền nhiệm. Điều này làm nó trở nên phù hợp để mang theo quay chụp suốt cả ngày. Tuy nhiên, hệ thống máy ảnh sẽ trở nên nặng hơn nếu bạn gắn với một ống kính GF lớn.
GFX 50S II có báng cầm công thái học thuận tiện với ngón trỏ thụt vào và ngón cái đặt ở phía sau. Tuy nhiên, thiết kế nút Quick Menu (Q) nằm ở vị trí ngay cạnh phần đặt ngón tay cái nên có thể xảy ra tình trạng bấm nhầm trong quá trình sử dụng máy ảnh, dù vậy nếu đã quen với 50S II, điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm của bạn.
Tương tự như GFX 100S, GFX 50S II cũng có một màn hình LCD đơn sắc ở phía trên thân máy hỗ trợ người dùng quan sát các thông số khi chụp. Cùng một màn hình LCD lớn kích thước 3.2 inch, 2.36 triệu điểm có cảm ứng nhạy cho phép bạn có thể tùy chỉnh nhiều chức năng khác nhau cũng như hiển thị hình ảnh một cách trực quan để hỗ trợ tối ưu cho quá trình ghi hình.
Thêm vào đó, kính ngắm EVF trên GFX50S II cũng khác so với kính ngắm được sử dụng trên người tiền nhiệm của nó. Dù có độ phân giải giống nhau nhưng độ phóng đại của thế hệ mới thấp hơn (0,77x so với 0,85x) nhưng tấm nền OLED vẫn duy trì độ sắc nét cao. Tuy nhiên, 50S Mark II sử dụng kính ngắm được tích hợp sẵn, không thể tháo rời nên sẽ kém linh hoạt hơn so với thế hệ cũ.
Một điểm nữa kế thừa khác từ chiếc GFX 100S là máy ảnh cũng đi kèm với hai khe cắm thẻ nhớ SD ở khu vực báng tay cầm. Song song với đó là các cổng kết nối như USB-C để truyền dữ liệu và sạc pin trong máy ảnh, cổng HDMI mini, giắc cắm 3.5mm cho micro và tai nghe, cổng đồng bộ PC và giắc cắm từ xa 2.5mm.
Chất lượng hình ảnh và video
Giống với người tiền nhiệm GFX50S, máy ảnh được trang bị cảm biến medium format 51.4MP mang đến chất lượng hình ảnh tốt hơn nhiều so với máy ảnh full-frame. Cùng với đó, Fuji cũng đã chọn sử dụng cùng một cảm biến Bayer để có hiệu suất ánh sáng yếu tốt hơn, đem đến dải động ấn tượng và độ sâu trường ảnh nông ngay cả ở độ dài tiêu cự dài hơn.
Tuy nhiên khác với GFX50S, máy ảnh thế hệ mới được tích hợp tính năng ổn định hình ảnh trong cơ thể với khả năng điều chỉnh rung máy đến 6.5 stops. Điều này vô cùng hữu ích khi bạn sử dụng máy ảnh chụp cầm tay mà vẫn thu được những bức hình mượt mà, sắc nét nhất. Cũng nhờ cơ chế này mà máy ảnh có chế độ Pixel Shift Multi-Shot và chụp ảnh 200MP. Thu được hình ảnh có độ phân giải này là do sự kết hợp của 16 ảnh RAW bằng cách dịch chuyển pixel.
Dù có chất lượng hình ảnh tuyệt vời nhưng GFX50S II không dành cho nhiếp ảnh thể thao, bởi tốc độ chụp liên tiếp của nó chỉ đạt 3 khung hình/giây. Tuy nhiên, bù vào thiếu sót này Fuji đã cải tiến thuật toán AF để mang tới hệ thống lấy nét tự động phát hiện độ tương phản nhanh và chính xác hơn. Trong khi đó, tính năng nhận diện mắt và khuôn mặt vẫn được trang bị như trên thế hệ trước đó.
Đối với video, máy ảnh không có tính năng quay video 4K. Thay vào đó, nó có độ phân giải Full HD (1080p) với tốc độ khung hình tối đa là 30 khung hình/giây.
Fujifilm GFX50S Mark II hiện cung cấp tới 19 giả lập phim, bao gồm cả Nostalgic Neg được giới thiệu trên GFX 100S giúp nâng cao khả năng sáng tạo cho các nhiếp ảnh gia cũng như các nhà làm phim, tạo sự phong phú cho những bức hình và thước phim của họ.
Hiệu suất
So với các máy ảnh định dạng full-frame hoặc APS-C, rõ ràng máy ảnh medium format sẽ có hiệu suất hoạt động chậm chạp hơn. Đặc biệt vì GFX50S II sử dụng AF phát hiện tương phản nên thời gian lấy nét tự động cũng không quá nhanh nhạy. Tuy nhiên, Fujifilm đã cải thiện hiệu suất lấy nét tự động với một bản cập nhật thuật toán mới, giúp cho hiệu quả lấy nét không còn chậm như ban đầu.
Pin
GFX50S Mark II sử dụng pin NP-W235 giống với 100S. Pin có kích thước nhỏ hơn nhưng có thể cung cấp năng lượng 16Wh, thay vì 14Wh của pin NP-T125 cũ được sử dụng trên người tiền nhiệm GFX50S. Với nguồn pin này, 50S Mark II có thể chụp được tới 440 bức ảnh với mỗi lần sạc đầy pin. Máy ảnh cũng đi kèm với bộ sạc ngoài hoặc cũng có thể sạc được qua USB vô cùng tiện lợi.
Kết luận
Rẻ hơn GFX 50S ban đầu, có mức giá tương đương với một số máy ảnh không gương lật full-frame độ phân giải cao mới hơn trên thị trường hiện tại. Dù không có khả năng quay video 4K hay chỉ có tốc độ chụp liên tục 3 khung hình/giây nhưng nếu bạn là một người đam mê dòng máy ảnh medium format với chất lượng hình ảnh đáng kinh ngạc thì GFX 50S II hoàn toàn xứng đáng. Tuy có mức giá không hề rẻ nhưng so với nhiều sản phẩm medium format trên thị trường thì máy ảnh vẫn là một sự lựa chọn hấp dẫn đối với hầu hết các nhiếp ảnh gia hiện nay.